Ta chờ nhau tại nơi bắt đầu - Chương 10: Giận nhau
Chương 10: Giận nhau
Vừa về tới nhà, tôi đã thấy cha tôi đứng chờ trước cửa với vẻ mặt hầm hầm. Dường như ông đã biết chuyện tôi đánh nhau ở trường rồi. Tôi như nhìn thấy trước kết cục của mình khi bước qua cánh cửa gỗ. Tôi lấy hết can đảm bước vào nhà.
“Thưa cha con đi học mới về.”
Sắc mặt cha tôi vẫn không biến đổi. Giọng nói cứng như sắt thép của ông cất lên làm tôi rùng mình như bị điện giật.
“Tới nhà thờ Tổ, quỳ gối ở đó.”
Tôi không dám cãi nửa câu làm theo lời cha. Khi tôi quỳ gối xuống trước bài vị tổ tiên, cha tôi cũng vừa bước tới, trên tay ông là cây roi mây, vật mà ông hay dùng để trừng phạt chị em tôi mỗi khi phạm lỗi. Tôi nghe sống lưng lạnh toát, chuẩn bị tinh thần hứng trọn đường roi từ cha mình.
“Ai cho phép đánh nhau?”
Giọng nói của cha tuy nhẹ nhưng mang một sức nặng ngàn cân đè lồng ngực tôi đến khó thở. Tôi hít một hơi thật sâu, lấm lét nhìn ông rồi chậm rãi trả lời:
“Dạ… tại… bọn thằng Luân ăn hiếp thằng Tuấn nên con…”
Một tiếng “chát” vang lên đằng sau lưng tôi. Cha tôi nổi giận mắng:
“Không có lý do ly trấu! Dù xảy ra bất cứ chuyện gì cũng không được phép dùng bạo lực để giải quyết, rõ chưa?”
“Dạ con biết rồi. Con xin lỗi cha.” Tôi cắn răng chịu đau đáp.
Một tiếng “chát” nữa lại vang lên.
“Đừng xin lỗi cha! Ngày mai vào lớp xin lỗi bạn đi!”
Rõ ràng người bị đánh là tôi, sao tôi phải xin lỗi cơ chứ? Bộ cha không nhìn thấy mắt tôi bầm tím hay sao? Dù ấm ức đến ứa nước mắt nhưng tôi đành gật đầu nhượng bộ. Tôi không muốn tiếp tục bị đòn.
Khi tôi vừa bước ra khỏi nhà thờ Tổ, bà nội cũng vừa chạy tới. Thấy con mắt bầm đen như mắt gấu trúc của tôi, bà đau lòng ôm chầm lấy tôi:
“Cháu của bà sao lại bị đánh ra nông nỗi này?”
Hai mắt bà ngấn nước nhìn cha tôi:
“Có gì từ từ dạy bảo, ai cho phép anh đánh nó?”
Dứt lời, bà xuýt xoa sờ vết bầm trên mặt tôi:
“Đã vậy còn đánh lên mặt nữa chứ. Đúng là quân ác ôn mà!
Thấy bà hiểu lầm, tôi vội bênh vực cha, mặc dù vết roi ở lưng cũng đau không kém:
“Bà ơi, chỗ này không phải cha đánh.”
Bà ngạc nhiên:
“Không phải nó đánh thì là ai? Đứa nào dám đánh cháu của bà? Con nói đi, bà đi tìm nó tính sổ!”
Bà giận đỏ mặt tía tai lôi tôi đi. Tôi vội ngăn bà lại:
“Là con đánh nhau trong trường…”
Thế là tôi kể hết mọi chuyện cho bà nghe, kể luôn việc Tuấn giận tôi. Đó là lần đầu tiên chúng tôi giận nhau, cũng là lần đầu tiên chúng tôi không nói chuyện với nhau lâu đến vậy.
Ngày hôm sau, Tuấn không đi học, cũng chẳng tới nhà tôi. Ngày hôm sau nữa cũng thế. Lòng tôi bứt rứt khó chịu, học không vô chữ nào. Sang ngày thứ ba, trên đường đi học, tôi qua nhà tìm Tuấn, nhưng cánh cửa nhà hắn đóng im ỉm. Đoán rằng hắn theo tía má ra đồng rồi nên tôi mon theo đường nhỏ chạy đi tìm. Quả nhiên tôi tìm thấy hắn đang ở giữa cánh đồng lúa ngát xanh. Nhìn dáng người nhỏ thó trong bộ quần áo lấm lem bùn đất của Tuấn, tôi thương hắn vô hạn. Tôi réo gọi tên hắn từ xa:
“Tuấn! Sao mấy bữa nay mày không đi học?”
Tuấn nhìn thấy tôi, gương mặt buồn bã quay lưng bỏ đi. Tôi không chịu thua, vội chạy theo níu tay hắn lại. Tuấn vùng tay ra khỏi tôi:
“Tao nghỉ học luôn rồi.”
Tôi kinh ngạc giữ chặt hắn hơn:
“Tại sao?”
Dưới ánh nắng sáng nhè nhẹ, tôi nhìn thấy trong đáy mắt Tuấn loang loáng nước:
“Bị người ta nói là thằng ăn cắp, bắt tại trận, còn mặt mũi nào đi học nữa.”
Hắn nói rồi ánh mắt chuyển hướng sang tía của mình, thoáng chút oán giận. Tôi cố thuyết phục:
“Nhưng mày không có ăn cắp mà! Tao tin mày.”
“Tin thì được cái gì? Nhà tao nghèo, không có tiền, trước sau gì tao cũng như mấy anh mấy chị nghỉ học đi làm ruộng mà thôi. Mày về đi, từ nay đừng tìm tao nữa.”
Bàn tay tôi càng siết chặt Tuấn hơn, tôi không muốn tình bạn của chúng tôi sẽ kết thúc bởi một lý do lãng nhách. Thuyết phục Tuấn không được, tôi bèn chạy tới chỗ má của nó:
“Thím Tư, thím khuyên Tuấn đi học tiếp đi được không? Nó học rất giỏi, nếu giờ bỏ học thì uổng lắm.”
Má của Tuấn thở dài lắc đầu. Phía bên kia, tía hắn đỏ mặt quát lên:
“Nó thích nghỉ thì cho nghỉ. Tao không cản!”
Tôi lại nhìn má hắn, tha thiết mong thím sẽ đổi ý, khuyên hắn trở lại trường. Hai mắt thím bắt đầu đỏ hoe, vẻ khắc khổ hằn sâu lên gương mặt dày dạn sương gió. Mất một lúc lâu sau, thím mới kể lại chuyện mấy ngày trước.
Trên đường đi làm ruộng về, tía má Tuấn tình cờ nhặt được cây viết máy xanh chẳng biết của ai đánh rơi nằm giữa đường. Tía Tuấn thấy cây viết mới tinh nên cầm về cho hắn và nói dối là mình mua. Lần đầu tiên được tía mua đồ tặng, Tuấn vui như hội, cẩn thận cất trong hộp viết, nhưng hắn chẳng ngờ cây viết đó là của nhỏ Hoa đánh rơi. Tía má Tuấn khuyên hết lời nhưng hắn nhất quyết không chịu đi học.
“Vậy đi giải thích với các bạn là được mà!” Tôi nói.
“Không được! Dù có giải thích cũng rất mất mặt! Tía tao chẳng có tiền mà mua cho con một cây viết đàng hoàng, lại đi nhặt của người ta đánh rơi. Tụi nó càng cười nhạo tao hơn thôi!”
Nói rồi, Tuấn chạy đi mất. Tôi vội đuổi theo:
“Tuấn! Tuấn! Chờ tao với!”
“Mày đi theo làm gì! Tao với mày không còn là bạn nữa. Chơi với tao mày sẽ bị tẩy chay đó!” Hắn quát lên.
Tôi không bỏ cuộc, chạy theo hắn khắp đường làng, quên mất luôn việc đến trường. Hai đứa cứ thế làm náo động cả một vùng quê yên tĩnh, tiếng gà bay chó sủa inh ỏi. Cuối cùng, tôi cũng đuổi kịp Tuấn. Tôi vươn tay bắt lấy hắn, ôm chặt:
“Nghe lời tao, đến trường đi. Chỉ có đi học đàng hoàng thì sau này mày mới thoát khỏi vùng quê nghèo này. Mày muốn tương lai sẽ giống như tía mày hả? Nghèo túng, rượu chè, làm bao nhiêu cũng không đủ ăn, suốt ngày bị người ta khi dễ.”
Tuấn nghe tới đây, không vẫy vùng nữa:
“Tao… không muốn… không muốn giống ổng!”
“Vậy thì nghe lời tao. Về nhà thay đồ đi học được không?”
“Nhưng mà nhục lắm. Tao sợ…”
Thì ra một đứa gai góc như Tuấn lại có trái tim yếu ớt như thế. Tôi cảm nhận được Tuấn đang run rẩy, không tự chủ được ôm lấy hắn. Kể từ giây phút ấy, tôi đã tự nhủ lòng sẽ mãi ở bên bảo vệ hắn, không bao giờ buông tay.
“Mày yên tâm. Tao đã có cách.”
Tuấn bán tín bán nghi nhìn tôi. Tôi mỉm cười tự tin. Thế là hắn đi theo tôi về nhà, thay một bồ đồ mới, xách cặp đi học. Bọn tôi đi học trễ nên bị phạt quỳ cả tiếng đồng hồ. Giờ ra chơi, tôi kéo tay Tuấn lên phòng giáo viên gặp cô chủ nhiệm, giải oan cho hắn. Tôi bịa đại câu chuyện rằng mình đã nhặt được cây viết sau đó tặng lại cho Tuấn mà không biết đó là viết của nhỏ Hoa. Tôi biết hắn kinh ngạc lắm, nhưng chỉ có cách đổ hết lên đầu mình thì Tuấn mới không chịu tiếng oan, tía hắn cũng không mất mặt với xóm giềng. Tuấn đứng cúi mặt không nói tiếng nào. Nhìn bờ vai run rẩy của hắn, tôi chỉ muốn nhào tới ôm hắn an ủi mà thôi.
Khi bước ra khỏi phòng giáo viên, Tuấn liền trách tôi:
“Mày bị điên rồi sao? Tự dưng nhận vơ vào người!”
Tôi cười:
“Ừ, tao điên. Vì mày, tao còn có thể điên hơn nữa kìa. Nên hứa với tao, lần sau có làm gì cũng phải suy nghĩ thật kỹ, biết chưa?”
Đôi mắt Tuấn bắt đầu ầng ậng nước. Tôi sợ hắn khóc, vội lao tới chắn hai tay ở dưới mắt hắn nhưng vô ích. Nước mắt của Tuấn tuôn như mưa ướt đẫm tay tôi. Đó là lần cuối tôi thấy hắn khóc. Sau này, tôi chỉ toàn để hắn an ủi ngược lại, thành thói quen khó khăn lắm mới bỏ được.