Ta chờ nhau tại nơi bắt đầu - Chương 11: Giả bệnh
Sau giờ ra chơi, cô giáo giải thích cho cả lớp về chuyện cây viết. Đứa tin đứa ngờ nhao nhao cả lên. Ồn ào là thế, vậy mà qua mấy ngày tiếp theo, mọi chuyện cũng dần lắng xuống rồi quay trở lại bình thường như chưa từng có gì xảy ra. Mối quan hệ của chúng tôi càng trở nên khắn khít. Thỉnh thoảng cũng có một chút rắc rối cỏn con, nhưng chẳng hề gì, vì mớ rắc rối đó chính là những mảnh ghép góp phần tạo nên một bức tranh về tháng năm rực rỡ của chúng tôi.
Lên lớp bốn, hai chúng tôi không còn học chung với tụi thằng Luân nữa. Tôi và Tuấn vẫn ngồi cạnh nhau. Mấy đứa con gái trong lớp rất thích Tuấn, vì hắn không những học giỏi mà còn đẹp trai. Lâu lâu tụi nó cứ xúm tới chỗ hắn nhờ chỉ làm toán. Tôi ngồi kế bên, chốc chốc lại ghé mắt trộm nhìn sang. Thấy hắn cười với tụi con gái, tự dưng tôi nổi cơn bực bội vô cớ. Bình thường Tuấn rất ít cười, nhưng chỉ cần hắn hé môi, cả ánh dương rực rỡ trên trời cũng muốn bị lu mờ. Tôi đã rất tự hào vì nghĩ rằng nụ cười đó chỉ dành cho riêng mình. Vậy mà giờ đây hắn lại đi gieo rắc nụ cười đó lung tung. Trái tim non nớt của tôi chưa hiểu thế nào là ghen tuông, nên chỉ cảm thấy buồn phiền. Tôi muốn nhào tới giật lấy mấy quyển tập toán của tụi con gái và thét lên: “Tao cũng biết làm! Hỏi tao này!”, nhưng rốt cuộc tôi chỉ dám tưởng tượng mà thôi.
Hình như có một thoáng, ánh mắt của Tuấn chợt phớt qua tôi. Sợ bị hắn bắt gặp mình đang nhìn trộm, tôi lúng túng quay đi chỗ khác. Thế là cả ngày hôm đó, tôi chẳng thèm nói chuyện với Tuấn nữa, tan học là đi thẳng một mạch về nhà. Chắc hắn hoang mang lắm vì không hiểu tại sao tôi lại thấy khó chịu. Chính bản thân tôi cũng chẳng thể hiểu nổi mình.
“Huy! Chờ tao! Thằng quỷ, làm gì đi nhanh vậy?” Tuấn vừa chạy theo tôi vừa la lớn.
Tôi không trả lời, cắm đầu cắm cổ đi một mạch. Tuấn kiên nhẫn đuổi theo. Cứ thế chúng tôi đuổi theo nhau trên con đường làng phủ đầy ánh hoàng hôn. Cuối cùng Tuấn cũng tóm được tôi.
“Nói nghe coi, sao tự dưng lại giận?”
“Không có.” Tôi không dám nhìn thẳng vào mắt hắn.
“Đừng có xạo. Bản mặt mày đã tố cáo mày rồi kìa!”
Tôi cúi xuống, giấu đi vẻ mặt khó coi của mình. Dẫu biết mình không đúng, tự dưng nổi cơn ganh tỵ vô lý, hờn dỗi như bọn con gái, nhưng tôi vẫn không ngăn được cứ hành xử lạ lùng với Tuấn. Nếu thú nhận tôi thấy khó chịu vì Tuấn cười với người khác, hắn sẽ cho rằng tôi bất thường rồi nghỉ chơi tôi mất. Im lặng một lúc, tôi bịa đại một lý do:
“Tao hơi mệt nên muốn về nhà sớm nghỉ ngơi mà thôi.”
Ánh mắt ngập tràn lo lắng, Tuấn bất ngờ quay lưng về phía tôi. Hắn cúi thấp người, giọng nói ngọt ngào cất lên làm tôi muốn tay chảy:
“Mệt thì sao không nói sớm? Lên lưng tao cõng về.”
Tôi đứng ngơ ra nhìn Tuấn. Rõ ràng tấm lưng của hắn rất nhỏ, nhưng tôi lại thấy to lớn và vững vàng vô ngần. Tôi ngần ngừ mãi không dám nhúc nhích, nhưng lỡ nói dối rồi, giờ bảo không sao tôi sợ lại bị vặn hỏi tiếp. Thế là tôi đành lên lưng Tuấn để hắn cõng về. Trông hắn nhỏ con ai ngờ khoẻ ghê, cõng tôi đi băng băng mà không thấy mệt.
Mặt trời thả những tia nắng cuối ngày rơi khắp muôn nơi. Trước mắt tôi, cánh đồng lúa bất tận trải dài nhuộm màu ráng chiều vẽ nên một bức tranh thật nên thơ, yên bình. Tôi nằm trên lưng Tuấn, gió chiều mát rượi vờn quanh mắt làm tôi ngủ quên đi mất. Khi mở mắt ra, tôi đã thấy mình nằm trên giường. Tuấn ngồi kế bên, nhìn tôi chăm chăm. Tôi nhìn ra ngoài cửa, giật mình khi thấy trời đã tối om om. Tôi áy náy vô cùng khi thấy vẻ mặt lo lắng muốn khóc của Tuấn. Nhưng mà tấm lưng của Tuấn như có thuốc mê, ấm áp, mềm mại, lại thơm mùa lúa mới làm tôi không thể cưỡng được cơn buồn ngủ. Chỉ là tôi không ngờ mình lại ngủ say đến mức này.
Tuấn bỗng dưng nắm tay tôi:
“Mày còn mệt không? Nếu khoẻ rồi thì dậy ăn cơm, bà nội nấu món thịt kho rệu mà mày thích rồi kìa.”
Tôi xấu hổ gãi tai:
“Ngủ một giấc, khoẻ rồi.”
Dứt lời, tôi bước xuống giường, theo Tuấn vào bếp. Bà nội thấy tôi, gương mặt già nua như sáng bừng lên. Bà bước tới sờ trán tôi.
“Không sốt. Con có thấy khó chịu ở đâu không?”
Vì một lời nói dối của tôi mà khiến bà lo lắng đến đỏ mắt, trong lòng tôi ân hận vô cùng.
“Con khoẻ rồi. Nhưng con đói quá nội ơi.”
“Mau, ăn cơm thôi. Thằng Tuấn nữa, lại đây ngồi ăn cơm đi con.” Bà vui vẻ chỉ tay vào bàn ăn.
Tôi ngạc nhiên nhìn hắn:
“Mày chưa ăn hả?”
“Nó lo cho con, có nuốt nổi hột cơm nào đâu. Cái thằng vậy mà sống tình cảm, chẳng giống thằng cha của nó…”
Nói tới đây, bà thấy mình lỡ lời nên im bặt. Tôi lén nhìn Tuấn, nơm nớp lo sợ hắn vì lời nói của bà nội mà buồn, nhưng hắn bình tĩnh hơn tôi tưởng.
“Thôi ăn cơm đi. Tao đói quá trời.”
Dứt lời, Tuấn bới cho tôi một chén cơm đầy ắp. Tôi vui vẻ cầm lấy, ăn lấy ăn để như bị bỏ đói lâu ngày.
“Món thịt kho rệu của nội là số dách!”
“Cái thằng, chỉ giỏi nịnh.” Bà cười.
Tuấn vừa gấp thức ăn cho tôi vừa nói:
“Nó nói đúng đó nội.”
Hôm đó, tôi ăn bốn chén cơm, no căng bụng. Sau khi cơm nước xong xuôi, Tuấn ngủ luôn ở nhà tôi. Chuyện này đã trở thành thói quen. Mỗi lần tôi bệnh là Tuấn cứ đòi ở lại chăm sóc tôi cho bằng được. Mặc dù lần này tôi nói xạo, nhưng hắn cứ tin sái cổ. Đuổi mãi không về, tôi đành để hắn ngủ lại đêm nay. Buổi tối trời khá lạnh, hai đứa vô tư ôm nhau ngủ. Tuổi thơ hồn nhiên chẳng nghĩ gì nhiều, tôi chỉ biết mình thích hơi ấm của Tuấn, thích đến nghiện. Tới tận sau này, phải mất một thời gian rất dài tôi mới có thể quên đi hơi ấm của người tôi đã từng thương.
Sáng hôm sau là chủ nhật, cũng như những đứa trẻ khác, bọn tôi có những trò nghịch ngợm của tuổi thơ. Tuấn dẫn tôi đi bẻ nhánh mù u làm thành ná bắn chim, dùng trái mù u làm đạn. Chúng tôi rong ruổi khắp xóm, đến những cành cây để tìm kiếm con mồi, có hôm thì chim chao chảo, có hôm thì chim cú lí, lá rụng… Khi thu được thành quả, bọn tôi lại có món chim nướng thơm nức mũi.
Rồi có những hôm bọn tôi lại theo chú Tư, tía của Tuấn, chèo xuồng ba lá ra sông giăng lưới bắt cá. Mùa này nước nổi, cá tôm đầy ắp, mỗi lần thu lưới là vô số các loại cá từ lớn tới bé, nào là cá trê, cá lóc, cá rô… Tôi thích mê cùng Tuấn gỡ cá khỏi lưới, thả xuống khoang xuồng.
Bỗng nhiên Tuấn vỗ vai tôi:
“Tao muốn bơi một lát, mày ở trên xuồng đợi tao.”
Nói rồi, hắn nhảy cái tõm xuống sông trước sự ngơ ngác của tôi. Chú Tư vừa chèo xuồng vừa hỏi:
“Ê Huy, sao mày không xuống bơi luôn đi cho mát?”
Tôi nhìn dòng nước xanh xanh dập dềnh trước mắt, lắc đầu:
“Thôi, con không biết bơi.”
Chú Tư trố mắt nhìn tôi:
“Giỡn hoài mạy? Dân sông nước mà không biết bơi. Bộ cha mày không dạy hả?”
Thằng Tuấn bơi tới gần, nói với lên:
“Có dạy, nhưng nó nhát! Hồi xưa nó bị thằng Tùng con chú Năm Râu lừa, biểu cái gì mà bắt con chuồn chuồn cho cắn rốn là sẽ biết bơi. Vậy mà nó cũng tin rồi làm theo, được dịp uống một bụng nước suýt chết. Cũng may mà con phát hiện kịp lúc.”
Nói tới đây, Tuấn lườm tôi một cái:
“Đã chơi ngu mà còn lén chơi một mình.”
Nhắc tới chuyện hồi lớp một, tới giờ tôi vẫn còn xấu hổ muốn độn thổ. Nghe thằng Tuấn kể, Chú Tư ngửa mặt kêu trời.
“Rồi mày định cả đời này không tập bơi hay gì?” Chú nhìn tôi tặc lưỡi.
“Mấy lần con cũng có tập cho nó nhưng nó cứ bám rịt lấy khúc cây không dám thả tay ra.” Tuấn trả lời thay tôi.
Chú Tư lắc đầu thở dài, rồi đột nhiên tiến tới gần tôi. Chẳng biết chú tính làm gì, tôi chỉ thấy chú nhìn tôi thật bí hiểm. Tuấn ở dưới nước, mặt mày biến sắc:
“Tía… đừng nói là tía định…”
Tuấn chưa dứt câu, một bàn tay bất ngờ đập lên lưng tôi nghe cái độp. Tôi chới với quờ quạng hai tay rồi mất đà ngã ùm xuống sông. Bị chú Tư xô đột ngột, tôi chưa kịp định thần, cả người bị nhấn chìm trong nước. Tôi hoảng sợ vẫy vùng tay chân, nước xộc vào mũi, vào miệng làm tôi họ sặc sụa. Ở trên xuồng, chú Tư vừa cười lớn vừa hô to:
“Bình tĩnh, đừng có sợ! Thả lỏng cơ thể, dùng tay hoặc chân quạt nước! Mày càng sợ thì sẽ chìm càng nhanh.”
“Tía! Không có tác dụng đâu! Thằng Huy chứ không phải con, nó chết đó!”
“Mày im cho tao! Đàn ông đàn ang, có xíu mà cũng không làm được. Còn thua lũ đàn bà thì chết quách đi cho xong!”
Lời của chú Tư tuy hơi khó nghe nhưng không sai chút nào, tôi đúng là một thằng nhát gan, mỗi việc học bơi cũng không ra hồn.
Chẳng hiểu động lực từ đâu, tôi dần dần lấy lại bình tĩnh, hít thở sâu, cơ thể thả lỏng. Tôi nhận ra mình đang nổi. Cơ thể tôi như trôi bồng bềnh với những đám mây trên bầu trời xanh kia. Tôi hít thật sâu, bắt đầu dùng tay quạt nước, thoáng cái đã bơi được một đoạn, rồi bám vào xuống một cách thần kỳ. Tuấn bơi phía sau tôi, vội leo lên xuồng rồi kéo tôi lên. Tôi mệt đứt hơi, nằm ngửa thở dốc, còn Tuấn thì nhìn chú Tư trách móc. Chú cười ha hả nói:
“Lườm cái gì? Mày thấy chiêu này hay không?”
Tuấn giận chẳng nói nên lời. Tôi biết hắn đang lo lắng cho mình, nhưng tôi không giận chú Tư, ngược lại rất biết ơn chú. Mãi tận về sau, mỗi khi cảm thấy bế tắc, tôi đều nhớ tới bài học hôm nay. Dù có bị nhấn chìm trong tận cùng bể khổ, chắc chắn cuộc đời sẽ cho ta một tia hy vọng.