Ta chờ nhau tại nơi bắt đầu - Chương 23: Bữa sáng tại căn-tin trường học
Chương 23: Bữa sáng tại căn-tin trường học
Sáng hôm sau, tôi thức dậy sớm, xuống công viên chạy vài vòng cho ấm người. Từ lâu tôi đã muốn có một căn nhà ở gần công viên rợp bóng cây xanh để buổi sáng đi vòng quanh công viên tập thể dục, tận hưởng không khí trong lành, khi nào mệt thì dừng chân nơi ghế đá ngồi nghỉ ngơi, ngắm nhìn mọi người qua lại, cảm giác gần gũi thân thuộc vô cùng. Màu xanh dễ chịu của cây cối làm nhịp sống ở thành phố như chậm lại. Nhìn lên những tán cây, tôi không khỏi hoài niệm về những ngày ngắn ngủi ở phố núi mù sương. Mùi sương sớm, mùi nhựa thông vẫn còn lượn lờ quanh đây, tất cả như mới trải qua ngày hôm qua.
Khi quay về nhà, tôi bất ngờ chạm mặt người đàn ông lạ mà Tình dẫn về tối qua. Anh ta từ nhà tắm bước ra, chỉ quấn ngang một chiếc khăn ở bên dưới, phần trên để lộ cơ thể cường tráng đáng mơ ước của cánh đàn ông. Nhìn thấy tôi, anh ta hơi ngạc nhiên rồi cười thật tươi chào hỏi:
“Chào cậu. Tôi tên Quốc, người yêu của Tình.”
Tôi cũng lịch sự chào lại:
“Tôi là Huy.”
Cùng lúc ấy, Tình từ trong phòng ngủ bước ra:
“Anh tắm gì mà lâu vậy, không sợ trễ giờ làm hả?”
Người yêu của Tình vẫn chưa rời mắt khỏi tôi, anh ta hỏi cậu:
“Bạn cùng phòng với em đó hả? Đẹp trai như vậy làm sao anh yên tâm để em ở cùng chớ?”
Tình nguýt một cái thật dài:
“Đẹp trai cách mấy cũng không phải gu của em. Cậu ấy với em là một loại.”
Tình nói câu này làm tôi ngượng đỏ cả mặt. Tôi không đồng tình cũng không phản đối, lẳng lặng đi vào nhà tắm. Khi cánh của đóng lại, tôi vẫn còn nghe văng vẳng giọng nói của Tình:
“Anh mà còn nhìn Huy với đôi mắt thèm thuồng đó thì em sẽ không dẫn anh về nhà nữa!”
“Làm gì có chuyện đó, em nhạy cảm quá rồi. Trong mắt anh chỉ có mình em.”
“Chỉ thích nói mấy câu sáo rỗng. Nói được phải làm được đó!”
“Biết rồi mà vợ yêu!”
Cuộc trò chuyện làm tôi phì cười. Người ta đang yêu nhau lúc nào cũng hạnh phúc ngập tràn như thế. Từ trong thâm tâm, tôi hy vọng tình yêu của họ sẽ thật bền chặt, không thất bại giống như mình.
Cởi bỏ bộ quần áo thể thao đẫm mồ hôi, tôi nhìn ngắm mình trong gương. Hình như tôi đã gầy đi nhiều, sắc mặt hơi xanh xao. Chính tôi cũng không thể ngờ, chia tay đã làm cho tinh thần tôi sa sút đến vậy. Nhưng mọi chuyện đã kết thúc rồi, tôi tự nhủ lòng từ hôm nay phải biết quý trọng bản thân hơn. Tôi bật vòi sen, tắm rửa sạch sẽ rồi thay quần áo đi làm. Vừa ra khỏi cửa, tôi đã thấy Tình lăng xăng ở trong bếp. Cậu nhìn thấy tôi liền nói:
“Ê ăn sáng rồi đi! Tui đang nấu mì, sẵn làm cho ông luôn.”
Quốc ngồi ở ghế sô pha cứ nhìn tôi chăm chăm. Hơi mất tự nhiên, tôi xua tay:
“Thôi phiền ông quá, tôi ra quán ăn được rồi.”
“Có gì phiền đâu. Sẵn tiện thôi mà.”
Vẫn không thích ứng được với ánh mắt của người kia, tôi nhất quyết từ chối rồi bước ra khỏi cửa.
Ngày hôm nay tôi ăn sáng tại căn tin trường học. Vẫn còn nửa tiếng mới tới giờ nên tôi cũng không quá vội vã. Tôi tìm cho mình một góc khuất ở căn tin và ngồi xuống. Dì hai Nhã, nhân viên phục vụ căn tin vừa thấy tôi, liền chạy tới niềm nở:
“Ôi trời, thầy Huy! Lâu rồi mới thấy thầy ghé căn tin ăn sáng đó!”
“Dạ, con chào dì. Cho con một tô hủ tiếu nhiều hành nha.” Tôi mỉm cười.
“Có liền có liền!”
Dì nói rồi nhanh chóng chạy vào khu bếp. Tầm năm phút sau, dì bưng ra cho tôi một tô hủ tiếu đầy ắp hành, ngay cả thịt hay tôm đều nhiều hơn bình thường một chút.
“Đây, một tô đặc biệt cho thầy Huy nè. Bữa nay tôi thấy thầy ốm đi nhiều, mặt cũng hơi xanh xao. Thầy phải ăn uống điều độ kẻo bị bệnh thì khổ.”
Tôi nhận lấy tô hủ tiếu của dì, áy náy nói:
“Dạ không cần phải làm tô đặc biệt đâu dì. Con ăn cũng không hết.”
“Ấy! Người ta nói nam thực như hổ, thầy phải ăn nhiều thì mới có sức khoẻ dạy học chớ. Nghề giáo viên nhìn vậy chứ vất vả lắm, vừa truyền dạy kiến thức cho bọn trẻ, vừa phải đau đầu xử lý mấy chuyện vặt vãnh của tụi nó. Cháu gái của tôi rất thích giờ học của thầy. Nó nói mặc dù thầy hơi nghiêm khắc nhưng được cái đẹp trai. Dở toán như nó mà năm nay học thầy tự dưng thấy tiến bộ hơn hẳn.”
Nói tới đây, dì nhìn tôi mỉm cười:
“Nhìn kiểu gì cũng không ra thầy Huy lại là người nghiêm khắc đó. Nó còn nói thầy chưa bao giờ cười.”
Giờ tôi mới sực nhớ ra cháu ngoại dì hai Nhã là học trò của lớp tôi. Cô bé hay thắt bím, mặt mũi xinh xắn, tên là Hạnh. Tuy học lực môn toán của cô bé hơi yếu nhưng gần đây đúng là có tiến bộ hẳn.
Sở dĩ tôi luôn mang bộ mặt lạnh tanh khi lên lớp cũng bắt nguồn từ Tuấn. Còn nhớ năm đó, lúc nghe tôi chọn ngành sư phạm, Tuấn liền tỏ vẻ không đồng ý. Hắn nói tôi quá hiền lành, làm thầy giáo thế nào cũng bị học sinh bắt nạt. Gương mặt của tôi lại rất thu hút, tính tình nhã nhặn, đối xử với ai cũng dịu dàng, hắn sợ tôi sẽ bị học sinh ăn thịt mất. Khi ấy tôi chỉ biết cười trừ cho qua. Nếu ai cũng lo nhiều như vậy thì mấy ai dám làm giáo viên nữa chứ. Cuối cùng tôi vẫn chọn ngành sư phạm, phớt lờ sự phản đối của Tuấn. Nhưng lúc đi thực tập tôi mới thấy lời Tuấn nói là đúng. Bởi vì gương mặt búng ra sữa và vẻ ngoài hiền lành của mình mà tôi bị một vài nam sinh hổ báo làm khó dễ. Lúc ấy tôi chỉ là một sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm đối phó với loại học sinh hỗn hào, bị chúng ức hiếp đến độ uất ức xém khóc ngay trên bục giảng. Cũng may là có cô giáo dự giờ giải vây, nếu không tôi đã có một màn muối mặt với đám học trò kia rồi. Bị nam sinh làm khó dễ đã đành, sau khi kết thúc đợt thực tập, tôi còn nhận được cả thư tỏ tình của nữ sinh. Dù được trường mời ở lại giảng dạy nhưng tôi đã quá sợ hãi đối mặt với các cô cậu học sinh ở đây nên từ chối. Sau đó tôi quyết định xin vào một ngôi trường khác. Từ đó về sau, tôi luôn mang bộ mặt lạnh tanh khi đến lớp, và sự nghiêm khắc của tôi cũng đủ để khiến cho các em học sinh e dè.
Hôm nay, khi biết được vẻ lạnh lùng của mình lại thu hút một em nữ sinh, trong lòng tôi hơi hoang mang. Nhưng nghĩ lại, nếu điều này có thể làm cho việc học tập của em tiến bộ thì chắc tôi cũng không cần phải quá lo lắng. Tôi mỉm cười với dì hai Nhã:
“Dạ bí quyết đó dì. Nếu không nghiêm khắc thì các em ấy lại nghĩ con dễ dãi, rất khó trị.”
Dì vui vẻ đồng tình:
“Đúng vậy, phải nghiêm khắc lên. Tụi nhỏ mà hư thì thầy cứ phạt thật nặng vào.”
“Dạ. Chuyện đó dì khỏi phải lo.”
“Nè! Đừng bỏ ớt! Chẳng phải thầy đau dạ dày hay sao?”
Dì vừa dứt lời, muỗng ớt trên tay tôi đã ngả xuống tô hủ tiếu.
“Chút xíu thôi không sao đâu dì.”
Dì tặc lưỡi:
“Thầy thiệt là. Nhớ chú ý ăn uống. Thôi tôi đi làm việc tiếp đây. Nhờ thầy chiếu cố cho con bé Hạnh nhà tôi nhé!”
Tôi gật đầu chào dì rồi bắt đầu ăn sáng. Khi tôi ăn xong thì tính tiền rời đi. Vừa ra khỏi căn tin, tôi bỗng đụng phải một nam sinh có thân hình cao lớn vượt trội đang bước vào. Cậu ta chính là Lê Viết Hưng. Nhìn thấy tôi, Hưng hơi ngạc nhiên rồi đi tiếp. Thái độ vô lễ của Hưng khiến tôi không chấp nhận được, vội gọi cậu lại:
“Này, em kia. Đứng lại cho tôi!”