Ta chờ nhau tại nơi bắt đầu - Chương 38: Bắt đầu thân thiết
Chương 38: Bắt đầu thân thiết
Cũng như bao người trẻ khác, buổi tối tôi thường có thói quen lướt điện thoại trước khi đi ngủ. Facebook là một trong những mạng xã hội phổ biến nhất lúc bấy giờ và tôi cũng tạo cho mình một tài khoản. Đăng ký từ năm 2009, đến nay đã bảy năm nhưng tôi hầu như không đăng gì lên tường nhà ngoài ba bức ảnh phong cảnh tự chụp. Phần lớn thời gian tôi lên facebook là để theo dõi cuộc sống của bạn bè, đồng nghiệp, thỉnh thoảng tương tác bằng cách bấm like rồi thôi. Như một thói quen, tôi nhấp vào một cái tên đã in sâu trong tiềm thức: Hoàng Hữu Tuấn.
Tường nhà của Tuấn luôn là những tấm hình tụ tập ăn chơi với bạn bè, đồng nghiệp, tuyệt nhiên không có bóng dáng của tôi. À không, tấm hình đại diện gần nhất hắn đứng ở trung tâm thương mại, cười rất tươi, nụ cười tựa ánh mặt trời lúc ấy đã làm tôi quên hết mọi bực dọc sau một đêm cãi nhau nảy lửa.
Hồi đó tôi dễ tha thứ như vậy đấy. Dù giận đến đâu đi chăng nữa nhưng sáng hôm sau chỉ cần Tuấn ôm ấp, vỗ về, xin lỗi là tôi mềm lòng ngay. Tấm hình này chính tôi chụp cho Tuấn, không ngờ chia tay rồi mà hắn vẫn chưa đổi hình khác. Đây cũng tính là có một chút hình bóng của tôi trong đó nhỉ?
Lướt thêm một chút nữa, có một tấm hình mới toanh đập vào mắt tôi, đăng vào hai ngày trước, nhưng không phải Tuấn đăng mà là một người bạn của hắn đăng rồi tag tên hắn vào. Trong ảnh là Tuấn với bộ dạng thảm hại chưa từng thấy, đầu tóc rũ rượu nằm gục trên một chiếc bàn ở quầy bar, kèm caption “cần một người đến chữa lành trái tim tổn thương của sếp”. Bên dưới là một loạt bình luận kiểu như:
[Ai làm sếp ra nông nỗi này?]
[Sếp có người yêu rồi hả?]
[Đẹp trai như sếp mà cũng thất tình sao?]
[Nhỏ nào ngu vậy? Chị em mình còn cơ hội không bây ơi?]
Từ lúc còn đi học cho tới khi đi làm, Tuấn luôn luôn là tâm điểm chú ý của tất cả mọi người. Giờ hắn đã lên chức Giám đốc, vẻ ngoài cao ráo phong độ càng làm các chị em mê mẩn, ước ao có được người yêu như hắn. Thì ra không có tôi hắn lại biến thành con ma men vứt hết mặt mũi như thế. Ấy vậy mà tôi chẳng thấy hả dạ, trái lại càng thêm rầu rĩ. Không muốn chìm đắm trong mớ cảm xúc hỗn độn, tôi vội vàng thoát khỏi tường nhà Tuấn. Bỗng nhiên facebook của tôi hiện lên một yêu cầu kết bạn.
Lê Việt Hùng?
Sao anh lại tìm ra facebook của tôi?
Chần chừ một lát, tôi vào tường nhà Hùng. Ảnh đại diện của anh chắc chắn được chụp ở cung đường chữ S, do chính tay tôi chụp. Anh đứng bên mô tô, tay đeo bao tay da màu đen, quần jean, áo thun trắng in hình chợ Bến Thành, khoác áo jean, môi cười rạng rỡ. Tôi lướt xuống nhưng không thấy anh đăng gì nhiều ngoài những tấm hình đi du lịch khắp nơi, thời gian từ 2016, 2014, 2010… Còn lại có lẽ anh để chế độ riêng tư nên tôi không xem được. Ngón tay tôi chạm vào nút “đồng ý kết bạn”. Sau đó, tôi lại tiếp tục vào tường nhà anh xem. Thật trùng hợp làm sao, facebook của anh cũng giống tôi, chỉ đăng vài ảnh linh tinh về phong cảnh, thỉnh thoảng mới thấy hình anh và một số người bạn, có lẽ là bạn cùng anh đi du lịch. Tôi kéo xuống thêm xem những tấm ảnh ở Mộc Châu của anh, không có hình anh chụp với tôi. Hôm đó tôi quên dặn anh đừng đăng ảnh, cũng may là anh không đăng. Trong lòng tôi bỗng nhẹ nhõm hẳn.
Khi tôi định tắt điện thoại đi ngủ thì thông báo hiện lên “Lê Việt Hùng đã bày tỏ cảm xúc về một ảnh”. Tôi giật mình bấm vào tấm ảnh anh vừa thích. Đó là một tấm ảnh chụp sau lưng khi tôi đứng ở ngoài lan can chung cư ngắm mặt trời lặn dần xuống những toà nhà chọc trời, nơi tôi và người yêu cũ đã từng chung sống.
Hôm đó, sau khi chụp lén tôi xong, Tuấn gửi ảnh qua điện thoại cho tôi sau đó chau mày hỏi:
“Hôm nay sao em buồn vậy?”
Đó là một ngày trước giỗ nội. Năm nào cũng vậy, mỗi khi gần tới giỗ nội, tâm trạng tôi lại nặng nề như quả cầu khổng lồ đang chậm chạp rơi trước mặt. Tuấn vừa hỏi xong câu đó, tôi càng như bị đẩy xuống vực sâu. Tôi nhìn hắn đau đáu, chỉ sợ không kiềm chế được mà nổi giận. Cuối cùng tôi chỉ nói với chất giọng đều đều.
“Mai là giỗ nội. Anh quên rồi hả?”
Không cần Tuấn trả lời, nhìn thái độ của hắn, tôi biết hắn đã quên. Mọi năm, trước ngày giỗ nội hắn lúc nào cũng là người nhớ và nhắc nhở tôi mai nên làm món gì cúng, vậy mà năm nay, đến tận giờ này chưa thấy hắn đả động gì. Tuấn lúng túng không dám nhìn vào mắt tôi, khi làm chuyện có lỗi, hắn chỉ có một câu quen thuộc là “xin lỗi”, sau đó một tràn lý do lý trấu được hắn tuôn ra không ngớt.
“Mai… anh có lịch công tác…”
“Công tác? Em đã nhắc anh cả tháng trời, anh cũng nói sẽ nghỉ phép để ở nhà nấu đồ cúng nội. Giờ anh bảo anh đi công tác?”
“Sếp phân công, không thể làm trái…”
Tuấn càng nói tôi càng tức điên.
“Anh có thể dời ngày, anh quên mất ngày giỗ thì anh cứ nói, đừng có lấp liếm!”
Nói tới đây, tôi lại thấy uất nghẹn trong cổ họng. Thực ra, với bản tính của Tuấn, dù có nhớ hắn cũng không dám cãi sếp một câu.
“Anh không có quên.”
“Vậy anh huỷ ngay chuyến công tác cho tôi!” Tôi vung tay thật mạnh.
“Không thể huỷ. Công ty sản xuất hàng bị lỗi, lô hàng trị giá cả chục tỷ. Nếu không ra đó sớm để xoa dịu khách thì hậu quả rất nghiêm trọng.”
“Hàng đã sản xuất lỗi rồi, anh đi sớm hay muộn cũng có thay đổi được gì đâu? Bộ người trong công ty anh chết hết rồi hả?”
Thấy tôi giận đến khó thở, Tuấn tiếp tục phân bua:
“Lỗi của lính anh nhưng anh phải chịu một phần trách nhiệm. Anh xin lỗi mà… Hay… mình dời ngày cúng lại…”
Tuấn chưa kịp nói hết câu, một cái tát nảy lửa đã in lên mặt hắn. Có lẽ cả cuộc đời này, Tuấn không bao giờ ngờ có ngày tôi đánh hắn. Cú tát như giọt nước tràn ly. Mặt Tuấn đỏ lựng, đôi mắt nổi đầy tia máu. Đến nước này hắn không nhún nhường nữa mà quát to:
“Giờ em muốn gì? Giỗ thì năm nào chả cúng! Năm nay vắng mặt anh một bữa thì có chết ai không? Em phải biết đơn hàng này quan trọng đến mức nào! Nếu không thuyết phục được khách hàng thì họ sẽ trả hàng hết về và anh sẽ phải chịu phần lớn trách nhiệm! Em có muốn ngày này năm sau cũng là ngày giỗ của anh không?”
Lần nào cũng thế, Tuấn luôn lấy sức khoẻ và tính mạng ra để hù doạ tôi. Và lần nào tôi cũng thua thảm thương. Không còn sức cãi nhau với hắn, tôi bỏ vào nhà.
Sáng hôm sau Tuấn đi không nói một lời, chỉ lạnh lùng để năm triệu trên bàn. Tôi cười mỉa mai. Lần nào cũng tiền, tiền và tiền. Tôi không cần tiền của hắn. Tôi muốn Tuấn của ngày xưa quay trở lại nhưng đó chỉ là mơ mộng hão huyền mà thôi.
Ngày hôm đó tôi up tấm ảnh lên, ghi caption “ngày buồn nhất” để mỗi năm nhắc nhớ ngày giỗ đầu tiên của nội vắng người ấy. Tôi vừa thắp hương vừa kìm nén những giọt nước mắt chực trào ra. Tôi không muốn nội thấy tôi ân hận, càng không muốn nội thấy tôi thất bại trong thứ tình yêu tôi từng tôn thờ. Vì thứ tình yêu ngu ngốc ấy mà nội mới rời xa tôi. Nếu bà biết tôi hối hận, bà sẽ nghĩ gì đây?
Một tin nhắn hiện lên trong messenger kéo tôi từ trong hồi ức tỉnh lại.
[Chào Huy.]
Nhìn thấy tên Hùng, tôi trả lời:
[Chào anh.]
[Chưa ngủ à?]
[Sắp ngủ… Còn anh?]
[Tôi chưa. Tôi chỉ muốn nhắc cậu ngủ sớm thôi. Thức khuya không tốt cho dạ dày.]
Tôi nhìn đồng hồ rồi đáp:
[Mới hơn chín giờ thôi.]
[Ừm. Tôi biết.]
Tay tôi ngưng trên bàn phím chưa biết phải nói gì tiếp theo. Khi đối diện nhau, Hùng nói chuyện rất tự nhiên và vui vẻ nhưng khi nhắn tin, không hiểu sao tôi cảm nhận được có một chút gượng gạo. Mãi một lúc lâu vẫn không thấy Hùng nói gì tiếp, tôi quyết định lên tiếng trước.
[Thôi tôi ngủ đây. Anh cũng ngủ sớm đi. Ngủ ngon.]
[Ngủ ngon.]
Kể từ hôm đó, tôi và Hùng thường nhắn tin qua lại với nhau. Tất cả đều do anh chủ động nhắn trước. Sáng nhắn chào buổi sáng, tối nhắn chúc ngủ ngon. Ngoài ra chỉ toàn những câu hỏi như được lập trình sẵn “ăn cơm chưa, đang làm gì”. Tôi luôn lịch sự đáp lại. Dẫu sao có một người nhắn tin cũng đỡ buồn chán.
Những cuộc trò chuyện gượng gạo dần dần có chút biến chuyển. Câu hỏi xã giao của Hùng cũng biến mất. Bắt đầu câu chuyện của ngày mới đôi khi chỉ là một bức ảnh vu vơ vô tình chụp ở quán cà phê có cách bài trí ấn tượng, hay một câu nói không đầu không đuôi kiểu “con Miu nhà tôi hôm nay đẻ lứa thứ hai” kèm tấm ảnh một con mèo tam thể cuộn tròn bên những đứa con bé tí xíu của nó. Tôi cũng thích nuôi mèo nhưng chung cư không cho phép nuôi, chỉ biết tiếc nuối ngắm ảnh.
Thay vào việc nuôi mèo, tôi chọn cho mình thú vui trồng cây cảnh. Tôi cũng hay chụp “vườn cây” nho nhỏ của mình gửi cho Hùng.
[Tôi mới mua vài chậu sen đá.]
[Đẹp lắm.]
[Ít bữa tôi sẽ mua thêm mấy chậu thường xuân và sống đời.]
[Khi nào đi mua tôi đi với nhé.]
Kể từ khi cùng uống cà phê, tôi chưa gặp lại Hùng bao giờ. Nay anh lại chủ động gặp mặt, tôi không có lý do gì từ chối. Bỗng dưng tôi sực nhớ trong những tháng ngày ở bên Tuấn, tôi hầu như chỉ quanh quẩn trong thế giới có hắn,sáng đi làm, chiều tối về thẳng nhà, ít khi giao lưu gặp gỡ ai. Tôi thường hay từ chối những bữa tụ tập của đồng nghiệp bằng lý do này hay lý do khác. Bởi tôi muốn về nhà nấu cho Tuấn một bữa cơm ngon. Đổi lại hắn thường xuyên bỏ bữa đi tiếp khách hàng mà không báo tiếng nào. Mặc cho bao lần tôi dặn hắn nếu không ăn cơm thì báo tôi một tiếng nhưng hắn vẫn chứng nào tật nấy, để tôi chờ đợi đến cơm canh nguội lạnh.
“Báo em rồi sao nữa? Lại nghe những câu càm ràm kiểu như ‘lại đi nữa, anh phải lo cho sức khỏe của mình’ hả?”
“Em cần anh tôn trọng em, bộ khó lắm à?”
“Vậy em có tôn trọng anh hay chưa? Em càng lúc càng giống mấy bà vợ lắm chuyện!”
Những cuộc cãi vả từ nhỏ tới lớn cứ thế diễn ra âm ỉ, dai dẳng rồi bùng nổ, sau đó lại là những chiếc ôm, những nụ hôn xoa dịu, những lần làm tình quên cả ngày mai. Vòng lặp nhàm chán đó trói buộc chúng tôi suốt mấy năm trời. Tới giờ tôi vẫn không thể tin được mình đã thoát ra khỏi nó một cách thần kỳ.
Tay ngừng trên bàn phím một lát, tôi gõ:
[Ừm, cùng đi đi.]